
Nguồn minh họa: Internet
Viết cho ngày 30-4
Bao nhiêu năm qua rồi, tôi chưa bao giờ kể lại câu chuyện nầy, vì câu chuyện quá bi thảm, kể ra sẽ gây nên nhiều phản cảm và hỏi đến trách nhiệm. Câu chuyện thật buồn, thương tâm, quá tàn nhẫn làm cho người nghe bất bình gây phản cảm tức giận. Hơn bốn mươi năm đã trôi qua, chuyện xảy ra trong rừng già hoang thẳm, giữa núi ngàn vô danh, giữa lòng Trường Sơn ngàn năm hùng vĩ, trên con đường di tản đầy khó khăn, hiểm nguy rình rập từng giờ từng phút, trong tình thế bị săn lùng và trốn lánh. Trong cảnh ngộ đó, sự vô tình của đám đông, mặc dù trong hoàn cảnh bất khả thi. Nghe câu chuyện, bất cứ ai cũng thấy lương tâm rung động, trái tim mình tan chảy. Mỗi lần nhớ lại tôi lại thấy cõi lòng tê tái ân hận, tôi cảm thấy hổ thẹn với mình trước thảm cảnh của người chiến hữu vì đã không làm gì được để chu toàn bảo vệ kẻ đồng hội đồng thuyền mà ai cũng phải có trách nhiệm. Sẽ có biết bao nhiêu tấm lòng trắc ẩn chất vấn về một sự việc xẩy ra mà cho đến bây giờ cũng chưa lý giải ra kết cục câu chuyện, vì sau đó là một sự bí ẩn bị đi vào lãng quên.
Chuyện xảy ra là một tấn thảm kịch đau lòng, rơi nước mắt và không thể nào quên được trong đời người. Dù trong chiến tranh đã có biết bao nhiêu chuyện bi thảm kể sao cho xiết. Ở đây một sự việc đã xảy ra bất ngờ quá, không ai nghỉ tới nó có thể xảy ra được, trong tình thế cực kỳ nguy nan, khó xử, một sự kinh hoàng, cả sự bất lực của mọi người chứng kiến nỗi thương tâm, tình cảnh khổ đau đã xảy ra như vậy. Trong hoàn cảnh không ai làm được gì cả, thay vì một hành động phải có trong thường tình đạo lý, bổn phận của con người, ở đây mọi người chỉ biết chịu đựng sự dày vò của lương tâm mà không thể làm được gì cả, một sự vô cảm của con người đối với con người, có thể nào có một sự tha thứ cho được. Chỉ biết thầm khóc cho thân phận một sinh linh vô tội, một bé thơ thật đáng thương biết bao. Mãi sau bao nhiêu năm tôi vẫn còn bị ám ảnh, có những giấc ngủ không bình yên. Giờ đây kể lại câu chuyện nầy như một lần tâm sự, cho vơi bớt nỗi lòng ân hận.
Câu chuyện bắt đầu ở đây.
Giửa tháng 3-75 chúng tôi là đơn vị di tản sau cùng, 2 ngày sau, sau khi quân đòan 2 đã rút khỏi Pleiku, thủ phủ của Tây Nguyên hai ngày trước chúng tôi mới bắt đầu rời vị trí. Không có lệnh hành quân cũng không có lệnh tử thủ, không có một chỉ thị nào cho đơn vị hành động. Mọi liên lạc đều bị cắt đứt. Cấp chỉ huy trực tiếp của chúng tôi cũng đã đi rồi. Cuối cùng, muộn màng, chúng tôi đành phải ra đi.
Chúng tôi bắt đầu rời Kontum, từ đồi Chu Pao đi bộ dọc theo trục tỉnh lộ 14, độc đạo duy nhất từ Kontum đi về Pleiku ngang qua thành Pleime. Khi chúng tôi về tới đó, trong thành Pleime đèn đuốc còn cháy sáng trưng nhưng không có một bóng người. Thành phố Pleiku vắng ngắt buồn tênh. Trong phi trường Cù hanh những chiếc phi cơ chiến đấu nằm im lìm cuối đường băng. Nhìn rất buồn. Những cánh chim sắt còn son trẻ kiêu hùng và hiện đại cũng bị bỏ lại. Những thanh kiếm thần đã bị bỏ lại trên sườn đồi hoang vắng đi vào lãng quên.
Tôi như cảm thấy một nỗi sầu muôn trượng , bỗng như rơi vào vực thẳm. Cảm nghỉ đầu tiên là chúng tôi đã bị bỏ lại chiến trường đàng sau lưng, khi không có một sự chuẩn bị, chưa ý thức một sự đương đầu chịu đựng mọi sự hiểm nguy. Chúng tôi đang đứng giữa thành phố Pleiku hoang vắng, im lìm.
Có ai đã từng nhìn thấy một thành phố bỏ hoang trống vắng lạnh lùng, với một vẻ kinh dị lạ lùng, lạnh lùng và ma quái, sự chết chóc như lẩn khuất đâu đây. Mọi sinh họat con người bỗng tan biến vào hư vô, thành phố như đứng trong cơn mơ, ngừng trong tịch lặng, như ngơ ngác, như đang sống trong tiền sử. Pleiku vốn là thủ đô của một vùng Tây nguyên rộng lớn đang đứng chết lặng trong đau đớn tức tưởi.
Tôi dừng lại một phút để ngắm nhìn thành phố một thời bước chân quen đi, về. Đứng trên đầu con đường dốc dài chạy về cuối phố, ngày xưa tấp nập rộn ràng vui tươi, với bước chân giang hồ tứ xứ qua đây. Như đi lạc vào một hành tinh xa lạ, tôi đứng lặng, ngậm ngùi, Hàng cây hai bên đường thả những chiếc lá rơi nhẹ nhàng, hửng hờ. Những ngỏ rẽ quạnh hiu, những quán hàng còn để cửa mở, nhiều nhà còn sáng đèn nhưng không có bóng người, có vẻ lặng trầm trong hoài niệm xa xôi. Khung cảnh như trong phim kinh dị. Không còn những sinh hoạt con người, yêu thương, buồn vui, giận ghét như chưa hề hiện hữu nơi đây. Lòng ngao ngán, ngậm ngùi, nao nao. Trên chiếc áo trận để dành kỷ niệm sau nầy tôi đã ghi lại những cảm nghĩ về lúc ấy:
Sầu Biên Cương
Pkeiku. mùa biên cương nở hoa thép gai
biên thùy rướm máu
bão rừng lên
tóc xanh ngày phai
đôi mắt tượng buồn long lanh
khúc sáo Mèo buôn Pha nắng tàn
…anh về đâu
mặt trời ứa máu
vết xe lăn còn in dấu
cát bụi trầm sa
giáp rủ trường ca
đèo Chu Pao lửa chiều quân mỏi
Kontum. mùa hoa phượng vĩ trôi
dưới chân cầu Dakbla in bóng
Trường sơn cao.vàng heo hút bản xa
màu dã quỳ nhung nhớ
em về đâu
thị trấn biên cương cuối mùa chinh chiến
hoàng hôn tái tê
phố núi giờ nầy không còn ai
đoàn quân đã xa rồi
dân tình xiêu lạc ra đi
…địch chưa hề đến
ngơ ngác đồi xa
cuồng man tiếng hát
ta về đây
nghiêng mình bia đá vô danh
biên thành Plei Me hoang vắng
tuyệt kế không thành
18-3-75
Bỗng thấy lòng mình trống vắng lạ thường. Suốt đời tôi không quên được hình ảnh thành phố trên cao đứng chết sầu trong cô đơn tuyêt vọng, buổi chiều đắm chìm trong hoang lạnh đìu hiu, buồn tênh.
Từ xa , rất xa, có tiếng vọng về ì ầm rung động từ đường số 7 hướng Cheo reo , như từ cỏi nào vọng lại.
Chúng tôi không dám đi theo vết xe của quân đoàn trên lộ trình hướng về Cheo reo, mặc dù đó là cái thế duy nhất để dựa lúc bấy giờ. Chúng tôi cũng đã nhận được tin địch quân đang bôn tập đuổi theo hướng quân đoàn đang rút lui. Trễ quá rồi để đi theo: lộ trình đã bị lộ và địch đang đón chờ sẳn. Chúng tôi phải chọn con đường khác cho mình. Đoàn chúng tôi còn tiếp nhận thêm một số quân nhân thất lạc của các đơn vị khác có đem theo gia đình. Số quân nhân nầy bỏ đơn vị để đi tìm người thân nên khi trở lại thì đơn vị đã đi xa rồi nên họ theo chúng tôi. Trong số này có một đôi vợ chồng rất trẻ mang theo một đứa con còn bồng ẳm. Đôi vợ chồng trẻ với đứa con đầu lòng đầy thương yêu trìu mến, âu yếm bên nhau. Đôi uyên ương như đang sống trong đam mê, khắn khít bên nhau. Bất cần tất cả, trong cơn hoạn nạn, tình yêu của họ như thách thức mọi nghịch cảnh. Họ không cần để ý đến chung quanh, là một không khí sợ hải lo lắng, những nét mặt hoảng hốt , ánh mắt thất thần…và những người lính lầm lì, chiu đựng , bình tỉnh. Trong tình cảnh người lính bị bỏ rơi cũng không một lời oán than, và nhiều ngày không có lương, không được tiếp tế và yểm trợ.
Không biết đã bao nhiêu ngày lặn lội trong rừng sâu. Ban đầu còn định hướng đi theo sát đường lộ để khỏi bị lạc, nhưng sau một vài lần phải lẩn tránh địch nên mất phương hướng lạc đường trong đêm tối. Rồi cứ đi, đi mãi, cố ra khỏi vùng địch rồi sẽ tính, cố bám lấy nhau trong lúc di hành cố giử im lặng , không gây tiếng động, ngụy trang mọi hành động. Tránh ra gần ttrục lộ, đi sâu vào trong rừng; vì tất cả các trục lộ đều bị địch kiểm soát đặt chốt chặn, chúng có mặt khắp mọi nơi. Trong khi địch bôn tập ra đường lộ thì chúng tôi đi ngược vào rừng sâu, càng xa càng tôt để tránh chạm mặt; bây giờ chúng tôi đang ở phía sau lưng địch. Đi đâu cũng gặp địch, chúng ở ngoài lộ thì chúng tôi ở trong rừng. Một sự hoán đổi vị trí và cả vị thế. Nhiều lần từ trong rừng quan sát thấy đòan xe đang di chuyển trên đường lộ, cứ tưởng rằng đã ra được đến vùng phe ta, nhưng khi tiến ra gần mới biết là quân địch, chúng đã lấy xe của ta từ cao nguyên và đang tiến quân về hướng đồng bằng. Trong tình thế nầy không thể nào vượt qua phòng tuyến để về họp mặt với các đơn vị bạn được. Cuối cùng chúng tôi phải chia thành từng toán nhỏ cho dễ di chuyển, ngụy trang để tránh bị lộ, chia nhau những phần thực phẩm cuối cùng rồi chia tay nhau tìm đường thoát hiểm ra khỏi vùng địch hoặc tìm về quê mình. Toán chúng tôi tách ra đi sau cùng theo một hướng khác, cắt lộ 19 phỏng chừng hướng về đồng bằng miền biển. Một đêm, đang lần mò dưới ánh sao lờ mờ trong rừng gìà âm u huyền bí, ngàn cây im lắng chỉ có tiếng rì rào của lá. Mệt quá, định tìm một chổ ngủ qua đêm. Băng qua một khỏang rừng thưa không dám dừng lại vì dễ bị lộ. Phía bên kia là vàch đá cheo leo, có một hỏm sâu dưới đường thông thủy và có một khe suối nghe tiếng nước chảy róc rách. Đây có thể là một điểm thuận lợi vì có nước uống. Khi đi xa rất cần nước, đói không sợ bằng thiếu nước. Chúng tôi định dừng lại nơi đây, dựa lưng vào vách đá ngủ ngồi cho qua đêm, sáng mai trời sáng rỏ định hướng lại mà đi. Một tiếng kêu thảng thốt của một con chim lớn vỗ cánh bay đi làm tất cả đều giật mình khiếp hải, vội ép mình lại như cố thu nhỏ nín im thêm ngưng hơi thở và nghe ngóng. Qua tiếng suối đổ róc rách, có một mảnh trăng lưởi liềm rất mỏng manh sắc lạnh không sáng lắm lộ qua kẻ lá trên bầu trời đêm mầu xanh thẩm. Bỗng nghe có tiếng xao động từ dưới lòng suối, một tiếng hát cất lên nhẹ nhàng, nhưng trong màng sương đêm vang ra rất xa, giửa khoảng âm u của đêm sâu làm cho sương rừng lá núi lay động một vẻ huyền bí động tâm lạc phách. Mọi người giật mình lắng nghe, qua phút bàng hoàng, chúng tôi đoán rằng chắc gần đây có một buôn làng của người thượng nên các cô gái thượng ra đây tắm trăng. Khung cảnh có vẻ liêu trai lãng mạn quá. Tôi bỗng nhớ đến câu chuyện đường rừng: Ai hát giữa rừng khuya của nhà văn TCHYA. Hiện giờ chúng tôi đang sống giửa khung cảnh câu chuyện đường rừng hoang đường của nhà văn Đái Đức Tuấn. Theo gió rừng, tiếng hát thoảng lại khi xa khi gần như huyền hoặc ma mị quyến rủ. Bất giác tôi hơi rùng mình ớn lạnh. Nhưng cảnh giác vô cùng, chúng tôi lắng tai nghe, nhận ra tiếng nói chuyện giọng miền bắc, và lời ca không thơ mộng mà có tính cách tuyên truyền chiến đấu. Từ ngạc nhiên, lạ lùng rồi sợ hải. Vậy là gần đây có điểm căn cứ của địch, nhất định không phải chỉ có mộ t tên. Hết cả buồn ngủ, tỉnh táo cả người, vội bấm nhau êm nhẹ nín thở rời xa vùng nguy hiểm khi chúng chưa nhận ra sự có mặt của chúng tôi. Mắt nhắm mắt mở chúng tôi luồn qua bụi rậm gai góc mà đi càng xa thật là xa vùng tiếng hát quỷ quái đe dọa. Bây giờ không còn phân biệt phương hướng nữa, nơi nào cũng gặp địch, vùng đất bạn bè thân quen còn xa lắm. Vừa đi vừa phải cảnh giác dò dẩm nghe ngóng kẻo lở đâm sầm vào ổ của kẻ địch. Đêm liêu trai giửa rừng gìà mơ ngủ bỗng tỉnh giấc trở thành ác mộng trốn chạy có tiếng hát ma quái đuổi theo. Cảnh sinh hoạt thơ mộng ấy lại trở thành một sự đe dọa chết người. Một kỷ niệm lạ lùng khó gặp và khó quên trong thời chinh chiến. Chúng tôi vừa mới thoát ra từ giấc mơ rừng quái đảng nên không biết mình đang ở đâu.
Lộ trình là một cuộc chạy đua việt dã vô định. Nhiều đêm không ngủ, đói khát và lo âu làm khờ người. Không còn nhớ là đã đi được bao nhiêu ngày. Đi ngày đi đêm nhưng vẫn không bắt kịp tiến độ của chiến trường, chúng tôi tụt lại rất xa đằng sau. Hiện trường ở đây không còn nghe thấy gì, không còn một âm thanh gì của chiến trường vọng lại, không tiếng máy bay tiếng đại bác, im lặng như tờ. Chính sự im lặng đó làm cho chúng tôi càng thêm tuyệt vọng, không còn hy vọng vượt qua tuyến lửa để trở về đất bạn, đi trong sự mịt mù vô vọng. Tiền tuyến bây giờ đã đẩy về phía nam rất xa rồi. Quen nghe những âm thanh vang động của chiến trường, những vang vọng đó chứng tỏ lực lượng chiến đấu của ta đang hiện hữu quanh đây gây một sự tin tưởng, khi vắng đi những âm thanh đó tức là lực lượng đã bị xô dạt đi nơi khác rồi. Tiếng phi cơ xé không gian, tiếng đạn pháo rít trong gió, bom nổ ì ầm không còn nghe thấy nữa. Âm thanh chiến trường càng xa dần thì lòng người lính di tản cảm thấy trống vắng hơn bao giờ, bầu khí ấm áp lạnh dần. Khi chiến trường im hơi, những âm thanh sôi động càng ngày càng xa đồng nghĩa với niềm hy vọng cũng xa dần, quân bạn xa dần, hơi ấm lửa đạn không còn sưởi ấm niềm tin của người di tản, bị bỏ xa dần, sự tiếp cứu không còn. Dù sao âm vang chiến trường thật đáng sợ nhưng cũng làm cho lòng người di tản còn chút ấm áp tin tưởng vào một cơ may thoát hiểm.
Lại một ngày nữa chạy đua với thời gian. Đêm xuống thật nhanh. Mục đích củua chúng tôi bây giờ là phải vượt qua rừng núi thoát về vùng đồng bằng, gặp đồng bào mới biết tình hình và tính kế thoát hiểm. Chúng tôi đi đêm luôn. Gặp suối kiếm nước uống đở đói ăn lá rừng qua ngày . Nét mặt mọi người trầm hẳn xuống với thái độ chịu đựng, không ai nói với ai lời nào. Đêm xuống đã lâu. Đang đi bỗng thấy xa xa có một ngọn đèn cháy leo lét thấp thoáng trong màng lá cây rừng dày đặc. Đã có kinh nghiệm chúng tôi không dám lạc quan. Tôi nghĩ đây là một ngọn đèn trong nhà mồ. Đã từng ở một thời gian lâu trên cao nguyên, biết phong tục của người thượng , khi trong gia đình có người chết họ làm một ngôi nhà mồ trong rừng, trên ngôi mộ mới chôn đó luôn thắp sáng một ngọn đèn suốt đêm ngày, hằng ngày họ ra đó cúng đem đồ ăn cho người chết. Chúng tôi dè dặt lần mò về hướng ngọn đèn ma đó thì nghe có tiếng động khác thường: tiếng cối chày gỏ vào nhau và rồi nhịp cối chày vang lên đều đặn trong rừng khuya. Vang động như một vùng quê thôn dã yên bình, chỉ thiếu tiếng hò giả gạo thân quen là chúng tôi có thể nhào vào xin nước uống và tham gia một đêm hội miền quê thân yêu. Chúng tôi cẩn thận ngồi xuống lắng nghe, có tiếng nói chuyện giọng Nghệ Tỉnh, rỏ ràng đây là điểm hậu cần của địch. Chúng tôi ngồi xuống nín thở mà nghe, quan sát chung quanh, rừng dày bịt mắt, chỉ một khoảng cách và rất may là địch chưa phát hiện có đông người đang theo dõi chúng, chúng tôi lặng lẽ rút lui, hải quá, vừa lom khom bò thụt lùi lại.
Khi toán đi trước vừa bắt đầu di chuyển, rất nhẹ nhàng bám vào nhau cho khỏi bị lạc, nhưng chưa đi được mấy bước thì nghe đàng sau có sự chuyển động mạnh, tiếng bước chân càng qua lá cây rào rào, có tiếng hô hoán nhưng xa quá không nghe rỏ. Biết là có biến rồi nhưng không hiễu là chuyện gì đã xảy ra cho toán đi sau đã bị lộ rồi, mặc dù không ai kêu to cả nhưng tiếng lướt đi càng qua va chạm cây rừng xào xạt nghe rất rỏ. Trời tối đen không thấy gì cả, không liên lạc được vì từ lâu máy móc đã bị vứt bỏ cả rồi vì hết địên trì không còn dùng được mang theo thêm nặng. Cũng không thểđi trở lui được để xem tình hình ra sao. Chúng tôi biết đã bị lọt vào trận địa địch, nhưng không biết địch đông hay ít, không thể quan sát cũng không thể liên lạc. Nghe từ rất xa có tiếng hô hoán:”hàng sống chống chết”. Chúng tôi tiến nhanh về phía trước để thoát khỏi trận địa của địch. Toán đi sau cùng có người thoát được chạy lên báo có người đã bị bắt, không biết có bao nhiêu người đã bị bắt lúc đó. Anh Xuân là người dẫn đầu trong toán đó đã bị bắt. Một số bị bắt, một số bị lạc. Chúng tôi không còn biết số phận anh Xuân ra sao.
Sau nầy mới biết anh Xuân đã bị đưa ra Bắc từ đêm đó ngày tháng 3-75. Sau nầy tôi cũng ra bắc. Ở tù về chúng tôi cùng lập gia đình rồi được đi định cư Hoa kỳ. Khi qua đến đây anh Xuân đã tìm tôi. Chúng tôi gặp nhau mừng quá, không ngờ còn có ngày gặp lại nhau nhưng cuộc đời đã biến đổi. Anh Xuân ở Fort Worth, thỉnh thỏang chúng tôi gặp nhau, ôn lại chuyện cũ, cảm khái sự đời, quí yêu tình chiến hữu có nhau trên đầu sóng ngọn gió đến bây giờ còn gặp nhau là quý lắm rồi.
Trở lại cuộc hành trình chúng tôi tiếp tục. Lại một đêm nữa đi luôn không dám ngủ. Chúng tôi gần như kiệt sức vì thiếu ăn thiếu ngủ, hơn nữa tinh thần hoảng loạn lo âu bước đi trong mê loạn vô thức.
Đang đi nửa ngủ nửa thức ngật ngà ngật ngưỡng, bỗng phía trước chùng lại, mọi người dồn đống , báo gặp một khúc đường mòn Hồ chí Minh. Mọi người lại nháo nhác. Mỗi lần gặp đường mòn ông cụ là một lần cơn chấn động tâm thần diển ra, mọi người nhìn nhau như thầm hỏi làm sao thoát khỏi đây. Đường mòn HCM là một lưới nhện giăng mắc khắp Trường sơn làm cho chúng tôi vướng mắc lúng túng , trên suốt con đường xuyên nam bắc chúng đặt rất nhiều binh trạm để kiểm sóat nên khi tiến sát con đường có thể gặp đụng độ bất ngờ. Đường mòn chỉ là con đường đất, xe và người đi qua nhiều nên thành bụi ngầu lên một lớp dày cả tấc, băng qua là in hằn dấu chân để lại rất nguy hiểm, phải mất công xóa đi mọi dấu vết, phải ngụy trang thật khéo léo cho địch không còn nhận ra. Đường nầy địch thường xuyên đi lại giao liên kiểm soát, chúng có thể khám phá lộ trình của ta dễ dàng và truy đuổi tận cùng.
Ẩn núp và quan sát hồi lâu thấy yên tĩnh không có gì đáng nghi ngờ, cho người canh chừng hai phía đầu đường mòn, rồi lần lượt vượt qua nhanh chóng và lặng lẽ, mất chừng khỏang nữa canh giờ mới qua xong. Qua khỏi đường mòn vào sâu trong rừng một đoạn mọi người dừng lại để chờ cho toán cảnh giới tiếp tục xóa hết dấu vết chân để lại trên đường mòn. Chúng tôi phải hết sức cẩn thận, đồng thời phải nhanh chóng rời xa vùng nguy hiểm. Đêm tối đen, trong rừng già trời tối rất nhanh, sương mù đã không trông rỏ mặt người. Quá mệt mõi nên khi vừa dừng lại là mọi người thấy buồn ngủ ngay; thân người thì cứ trôi đi trong cơn mê hoảng loạn. Dân và quân lẫn lộn rất khó kiểm soát và giử kỷ luật, có một số đã lạc nhau rồi.
Đôi vợ chồng trẻ vẫn còn theo sát chúng tôi. Suốt chặng đường dài gian khổ, người mẹ trẻ lo ẳm bồng đứa con thơ, người chồng lo dìu đở vợ, chậm chạp, họ đi gần cuối đoàn người; mỗi khi dừng lại, hai vợ chồng lại quấn quýt bên nhau một cách thân yêu, và đứa bé thường bò lăn lóc bên cạnh. Đứa bé xinh xắn và ngoan ngoản quá, không hề khóc la, ngủ yên trong vòng tay mẹ, có cha luôn canh giử cho hai mẹ con. Cả hai người có lẽ vì quá mệt mỏi nên khi dừng lại ngồi dựa vào nhau thiu thiu ngủ. Mọi người cũng mỗi người một lùm cây đê gà gật. Sự quá nhọc mệt và kiệt sức làm cho mọi người thiếu ý thức cảnh giác hiểm nguy, mất đi ý chí về sự giử an toàn cho nhau.
Bỗng toán đi sau cùng cảnh giới báo động có địch xuất hiện trên đường mòn vừa đi qua. Như một luồng điện giật từ sau chuyền tới trước, trong nỗi kinh hoảng tất cả cùng bật dậy đâm đầu tuôn về phía trước, nhiều người không còn biết phương hướng, cứ rừng rậm là phóng vào. Một người chạy trước là tất cả chạy theo. Không biết thời gian mấy canh giờ, khi tất cả đã mệt nhoài và nghĩ rằng đã xa lắm rồi mới dừng lại, mọi người như muốn ngất lịm. Trong sự chìm lĩm ngất lịm đó, tôi bỗng nghe vang lên có tiếng khóc, tiếng khóc nức nở tức nghẹn bị đè nén trong lồng ngực sự uất ức như không thể kìm nén nổi. Tôi định thần nhìn lại mới nhận ra đó là đôi vợ chồng trẻ. Người đàn bà trẻ đang cơn điên loạn như chỉ chực lăn nhào ra đất. Tiếng khóc gào như muốn xé phổi nhưng cố đè nén lại của người đàn bà trẻ. Người chồng cố ôm ghì người vợ lại dỗ dành, cả hai người đều nước mắt dàn dụa, đau đớn mà không dám khóc. Biết trách ai đây. Người bạn đồng hành hiểu rỏ câu chuyện kể lại như sau: hai vợ chồng trẻ khi dừng lại đã mệt quá ngủ quên, đến khi có báo động đã hoảng hốt vùng dậy, người chồng kéo người vợ chạy thục mạng, cứ thế bịcuốn theo dòng người hoảng loạn cho đến khi đã xa thật xa người mẹ mới trực nhớ lại đứa con thì ôi thôi đã xa quá xa, đường rừng mù mịt không còn biết đâu là phương hướng. Bởi thế còn gì thương tâm cho bằng người mẹ cho đứa con bị bỏ lại. Cả hai vợ chồng đều khóc ngất, ai thấy thế cũng mũi lòng khóc theo. Một tai họa quá là bi thảm, khủng khiếp trong cuộc đời của đôi vợ chồng trẻ. Tội nghiệp cho em bé vô cùng phải chịu một số phận nghiệt ngã. Hai vợ chồng trẻ có còn được sống an lành hạnh phúc. Thật là một thảm kịch, sự tàn nhẫn của chiến tranh. Mọi người đều ta thán và trách cứ không thôi, nhưng tất cả chẳng biết cách nào giúp đở, tất cả đều đã kiệt sức lắm rồi. Khi mục đích của mọi người cũng chỉ là thoát ra khỏi vùng hiểm địa nầy mà thôi. Tất cả đều hiểu rằng không ai còn sức lực để liều mạng trong một hành động xem ra vô vọng trong lúc nầy. Trong hoàn cảnh tuyệt vọng chỉ còn lại sự chia buồn và lòng ân hận môt cách vô ích.
Khi hiểu rõ câu chuyện tôi thấy chấn động tê tái cả tâm hồn. Sao lại là em bé, một thiên thần vô tội, một linh hồn còn trong trắng quá để chịu sự đớn đau như vậy. Đoàn người vẫn cứ tiến về phía trước với tốc độ vừa đi vừa chạy và đã xa khởi điểm báo động lắm rồi và tôi vẫn cứ bước theo trong vô thức, trí óc vẫn cứ suy nghĩ miên man về chuyện xẩy ra. Đôi vợ chồng trẻ vừa khóc lóc vừa lo đở nhau nên đi chậm tuột lại phía sau gần cuối đoàn người. Tôi cũng đi chậm lại. Tôi nghĩ rằng tôi có trách nhiệm liên hệ với thảm kịch vừa xẩy ra cho gia đình nhỏ đó và một phần trách nhiệm của cả tập thể nữa. Tôi theo dõi xem họ đang làm gì, họ có ý nghĩ như tôi không. Thật tình tôi muốn trách mắng cho họ môt trận nhưng nhận ra rằng họ đã quá đau khổ rồi nên không muốn làm nhục nhã họ thêm nữa. Tôi muốn giúp đở họ nhưng giúp bằng cách nào đây, nhưng một mình tôi cũng không thể làm gì được. Với tình cảm của cha mẹ đối với đứa con đầu lòng, với nỗi lòng người mẹ yêu con tha thiết,họ có thể làm những chuyện bất ngờ, hành động điên cuồngg trong hoàn cảnh nầy mà không ai có thể ngờ được, họ không làm gì mới là chuyện lạ. Trong lòng tôi phát sinh những tình cảm trái ngược mâu thuẩn: lo lắng về sự an nguy cho cá nhân và sự an nguy của cả một tập thể, trách nhiệm bảo vệ một cá nhân cũng như trách nhiệm bảo vệ số đông tập thể, nó đòi hỏi một sự hy sinh nào đó, nhưng sự hy sinh cho bên nào cũng đều rất xứng đáng và đó là sự chọn lựa đầy khó khăn.
Rừng về khuya chỉ còn nghe tiếng nức nở thút thít rên rỉ rồi chìm dẩn trong tiếng động của núi rừng. Tiếng khóc như mãi vang động trong đầu tôi, hơi thở bức bối nén trong lồng ngực. Tôi đâm ra giận cho ai đó và giận cả cho mình. Tôi thoáng nghĩ đến một giải pháp hành động liều lĩnh là trở lại hiện trường để tìm kiếm may ra còn gặp. Nhưng hiện trường thì bây giờ có biết nơi đâu, chúng tôi đã đi quá xa, lạc cả phương hướng không còn biết đang ở đâu nữa; rừng già đã bít kín lối đi rồi, Trường sơn mịt mùng không có một đường mòn dấu vết. Hiện trường trong tình thế hiểm nguy đang đón chờ và có thể là bẩy rập của địch. Xem ra tình cảnh nầy giải pháp đó cũng bất khả thi, suy nghĩ mãi rồi chẳng đi đến được một quyết định giải pháp nào cả. Tôi nói với mọi người nhưng chẳng ai có ý kiến gì, xem ra không còn con đường nào để hành động.
Đêm vẫn lặng lờ trôi qua. Dòng người vẫn trôi đi trong sự câm lặng nặng nề, sự chịu đựng một cách khổ cực và sự hy vọng càng thêm mong manh. Một lúc nào đó mọi người đều đuối sức dừng lại nghỉ và rồi thiếp đi trong mỏi mệt. Rồi đêm cũng qua. Đến sáng ra rỏ mặt trời chúng tôi tỉnh lại, giật mình nhớ lại chuyện đêm qua, nhìn quanh nhưng không còn tìm thấy đôi vợ chồng trẻ kia nữa. Mọi người ngơ ngác , chưng hửng, băn khoăn, nghĩ ngợi. Đêm qua như một cơn ác mộng, nhưng bi kịch hiện hữu vẫn còn đó. Họ đã đi đâu và họ đã làm gì. Không ai dám nghĩ đến chuyện có thể xẩy ra cho đôi vợ chồng trẻ, mặc dù ai cũng nghĩ đến chuyện tình cảm cuồng nhiệt có thể đưa họ đến hành động nào đó là có lý lẻ để chuyện đang xẩy ra, tình mẹ yêu con cuồng nhiệt và tình cha sẳn sàng hy sinh vì gia đình thì chuyện gì cũng có thể xẩy ra. Nghỉ đến đó ai cũng thấy mủi lòng không thể dừng nước mắt. Chúng tôi nhìn nhau lòng nao nao bồi hồi thương cảm : đôi uyên ương hạnh phúc đã không còn. Thật nghiệt ngã cho số phận con người. Cuối cùng tôi chỉ còn thầm cầu nguyện ơn trên cho họ được bình an và xin một phép lạ nào đó hiển hiện đem lại sự toàn vẹn, hồi phục cuộc sống an lành và hạnh phúc, tâm hồn bình ổn cho họ. Sau chiến tranh tôi không hề gặp lại họ, tôi rất mong nhận được tin tức tốt lành về họ.
Trầm Khanh