Trời đất dường như đã vào thu,
không biết quê tôi có lá vàng.
Nhẹ rơi từng chiếc, rơi từng chiếc…
lất phất bên đường vướng gót chân.
Từ độ xa nhau thu mấy bận,
đâu còn áo trắng buổi ngây thơ.
Tan trường vội nhặt từng chiếc lá,
ép nhẹ vào lòng thương nhớ ai.
Con đường hôm nay bỗng trở dài,
cho buồn nằng nặng, mắt cay cay.
Lạ quá tôi nào đâu muốn khóc,
mà sao nước mắt cứ rơi hoài.
Đâu biết cuộc đời lắm đổi thay,
nên dấu trong tim tiếng thở dài.
Mùa thu còn đó còn mãi đó,
tôi nhớ nghìn năm chiếc lá bay.
Đầm Sen-Việt Nam
Giờ học đã hết rồi. Cô giáo Tâm còn tần ngần nơi cửa lớp. Lại một ngày nữa sắp qua. Nhìn những đứa học trò tất tả ra về, bất chợt Tâm nhớ lại những ngày xa xưa, một thời dấu yêu của mình.
Thời gian trôi qua nhanh quá, mới ngày nào Tâm còn là một cô học trò nhỏ, vô tư, hiền lành, chỉ biết học hành và nô đùa cùng các bạn. Ước mơ duy nhất của Tâm lúc bấy giờ là được trở thành cô giáo, bởi vì Tâm rất thích dạy học và thích sống cuộc đời bình dị bên những đứa học trò, như cô giáo của mình vậy.
Ước mơ đó đã trở thành sự thật. Sau khi tốt nghiệp, Tâm được chuyển về dạy ở một vùng kinh tế mới. Ngày đầu tiên nhận nhiệm sở, Tâm rất buồn khi nhìn thấy ngôi trường nhỏ của mình với mái lá xiêu vẹo, trống trước, rỗng sau. Mỗi lần giảng bài, Tâm phải la thật to, nhưng học trò của cô vẫn không nghe được rỏ. Cô thật thương cho học trò của mình quá. Gia đình của các em cũng rất nghèo, có ngày các em không đủ thức ăn, có em muốn xỉu trong lớp. Có em phải về nhà ngay sau giờ tan học, để giử em hay phụ giúp cha mẹ ra đồng làm việc, mặc dù các em rất muốn ở lại trường, để được cô giáo dạy thêm những môn học mà các em còn yếu kém. Nhớ đến đây, nước mắt của Tâm chợt ứa ra.
Hơn hai mươi năm qua rồi, bây giờ học trò của cô đã trưởng thành, không biết chúng còn nhớ lại những ngày tháng buồn khổ xa xưa không?
Còn Tâm, bây giờ cũng đã già, sau ngày từ giả quê hương để ra đi, Tâm và gia đình đến định cư ở California. Tâm thường đến dạy học ở trường Việt ngữ Cơ Đốc trong khuôn viên Thánh Đường Cơ Đốc Phục Lâm vào mỗi sáng chúa nhật. Ngôi trường này nhỏ nhắn, khang trang thuộc thành phố El Monte, vùng Los Angeles. Trường được thành lập bởi Mục Sư Nguyễn Khắc Vinh với sự hợp tác của các tín hữu và thân hữu thiện nguyện. Mục tiêu của trường là giảng dạy tiếng Việt cho các con em hải ngoại, để chúng có thể nói, đọc và viết được tiếng mẹ đẻ của mình, ngỏ hầu giúp các em có thể tìm về cội nguồn dân tộc. Bên cạnh việc giảng dạy tiếng Việt, Mục Sư Vinh thường hay nhắc nhở các giáo chức nên dành nhiều thì giờ để hướng dẫn và chỉ bảo thêm cho các em về đạo đức, lễ độ, tinh thần giúp đỡ lẫn nhau qua các bài hát, trò chơi, đố vui để học, kể chuyện…
Mặc dầu trường còn nhỏ, lớp học còn thiếu thốn, các em mẫu giáo và lớp một phải học ở phòng ăn, số lượng học sinh cũng không nhiều và giáo viên cũng thiếu. Nhưng với tinh thần yêu trẻ , cố gắng gìn giữ tiếng nói và văn hóa nước nhà, nên tất cả các giáo viên đều cố gắng, mặc dù ai cũng rất bận rộn với cuộc sống hàng ngày. Một điều mà tất cả đều đồng ý với nhau là trách nhiệm truyền bá tiếng Việt cho thế hệ mai sau là của chúng ta. Vả lại tiếng nói là gia tài duy nhất mà chúng ta đã mang theo, sau ngày rời xa xứ sở . Lẻ nào để mất hay sao?
Cho nên, trong những giờ dạy học, Tâm thường kể về quê hương của mình cho các em học sinh nghe và cô yêu nhất câu trả lời của các em khi được hỏi, vì sao các em đi học tiếng Việt: “Con đi học tiếng Việt vì con là người Việt”.
Nếu ngày xưa Tâm yêu học trò của mình vì các em phải sống trong cảnh nghèo khó nhưng hiếu học. Thì hôm nay cô yêu học trò của cô vì chúng cố gắng học tiếng nói của mình. Tuy rằng các em đọc chữ có khi còn ngọng nghịu, phát âm không rành, chữ viết không đúng. Có khi lại không chịu đi học vì cảm thấy tiếng Việt khó quá hay không thực dụng như lời ba mẹ của các em chia sẻ. Nhưng với bất kỳ lý do gì, miễn là khi thấy các em đến lớp là các em đã mang lại niềm vui lớn cho tất cả các thầy cô rồi.
Miên man nghĩ ngợi, Tâm quên rằng mình cũng phải về rồi, ngày mai cô còn phải đi làm. Nhìn lại lớp học một lần nữa, hai chữ “quê hương” vẫn còn trên bảng trắng. Tâm khép nhẹ cửa lớp lại. Cô nghe như quê hương mình ở đâu đây, rất gần.
Thì ra quê hương chính là tiếng nói. Tiếng nói mà học trò của cô vừa mới đọc vang vang trong lớp học. Tiếng nói mà cô và các bạn của cô đang hết sức giữ gìn.
Với tôi, quê hương mãi mãi là niềm thương yêu và vĩnh viễn là nỗi nhớ bất tận trong trái tim của một người xa xứ, cho đến khi đôi mi tôi âm thầm khép kín lại.
Tôi nhớ những khung trời kỷ niệm của một thời áo trắng tinh khôi mà * “tiếng guốc vang vang nơi sân trường buổi sáng” vẫn còn vang vọng mãi trong trong trái tim tôi cho đến bây giờ.
Những tình yêu trong sáng, dễ thương của tuổi học trò vẫn còn đầy với biết bao nỗi nhớ trong tôi…
Và còn bao nhiêu bạn bè, bao nhiêu câu chuyện vui buồn, phá phách …của tuổi học trò đang chờ chúng ta sống lại cái thời “non non” khờ dại.
Xin hãy cùng tôi chia sẻ những yêu thương này cho lòng mình còn thao thức rồi mĩm cười với một thoáng trong mơ và cảm thấy hạnh phúc ngập tràn trong niềm thương nỗi nhớ …xa xưa.
Tôi vẫn tha thiết chờ bạn trong tình yêu quê hương và niềm nhớ ngút ngàn này!
Thân mến,
Thủy Trang
*tiếng guốc vang vang nơi sân trường buổi sáng (Thầy Đoàn Thuận).
Là người Việt, tại sao lại không biết tiếng Việt?
Đó là niềm trăn trở của tôi khi nghĩ về các con của mình và cố gắng dắt con tới trường Việt Ngữ, để chúng có thể học tiếng Việt. Ở đó, có các thầy, cô giáo thiện nguyện với hoài vọng gìn giữ và duy trì tiếng Việt nơi quê hương thứ hai này. Họ luôn đem hết tâm sức của mình, để dạy cho các con tôi hiểu biết tiếng Việt, biết đọc, biết viết ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Đồng thời giúp cho các con tôi có khả năng giao tiếp với cộng đồng người Việt nơi hải ngoại và hướng về quê hương đất nước sau này, khi chúng lớn lên.
Các con tôi sẽ có dịp sinh hoạt văn nghệ với các bạn cùng lớp, đọc thêm sách lịch sử tiếng Việt và đựợc các thầy, cô giáo giảng dạy về công dân- đức dục để chúng biết yêu thương gia đình, lễ độ, khiêm tốn với mọi người và luôn hướng về quê cha, đất tổ trong tinh thần thuần túy Việt Nam. Xin cám ơn các thầy cô rất nhiều.
Tôi cũng rất vui mừng khi nghe đựơc những lời chia sẻ của các cháu của tôi, khi được ba mẹ các cháu đưa chúng tới trường học tiếng Việt và đã thành đạt rất nhiều trong cuộc sống nơi này như sau:
“ Con xin cám ơn ba mẹ đã cho con đi học tiếng Việt. Nhờ đó con có thể giúp đỡ các cô, chú, bác, anh chị …người Việt không nói đựơc tiếng Anh trong lúc họ nằm bệnh viện và con là y tá trực”
“Con xin cám ơn ba mẹ đã đã dắt con tới trường Việt Ngữ, cho con học tiếng Việt. Để hôm nay con có thể trình bày ca khúc “ Việt Nam, Việt Nam” bằng chính ngôn ngữ và cảm xúc của trái tim mình trong đêm văn nghệ ở trường con.”
Sẽ tự hào biết mấy khi: “Con tôi biết đọc, nói và viết tiếng Việt”. Xin quí vị phụ huynh hãy cùng tôi, dắt các con tới trường Việt Ngữ, trong niên khóa này, trong học khu của chúng ta, để giúp các con của mình học được tiếng Việt và để bớt đi nổi trăn trở của chính mình, khi nghĩ về câu hỏi mà các con mình sẽ phải trả lời “Là người Việt, tại sao lại không biết tiếng Việt?”.
Em nói chiều nay có mây bay,
có nắng nhẹ rơi trãi lối dài.
là đường hai đứa ta cùng bước,
hạnh phúc đong đầy tay trong tay.
Cho đến chiều nay mây vẫn bay,
nắng vẫn hây hây trãi lối dài.
Mà đường hai đứa không chung bước,
hạnh phúc xa rồi tay vẫy tay.
Tiếc nuối còn đây cuộc tình dài,
từ ngày thơ dại sách trong tay.
Lýnh quýnh chờ nhau giờ học cuối,
chỉ biết yêu thôi chẳng học bài.
Bây giờ xa lắm thuở mây bay,
em cuối trời xa nỗi u hoài.
Anh hình như thấy dường đâu đó,
một chút tình hờ, em có hay?
Hôm nay cô giáo dạy,
cô dạy bài Việt Nam.
Em cất cao tiếng hát,
như một loài chim non.
Chim non bay về tổ,
em bay về quê em
(lớp học Việt Ngữ )
Mẹ hởi, con yêu buổi chiều vàng,
chiếc cầu lắc lẽo chuyến đò ngang.
Nắm bàn tay mẹ con lần bước,
mẹ dắt tay con đến trường làng.
Có cô gái nhỏ dáng ngoan ngoan,
cặp, viết trong tay chẳng gọn gàng.
Lần đầu đi học cô sợ lắm,
đến chốn đông người cô chẳng quen.
Lần đầu cô biết cô xa mẹ,
thút thít, nghẹn ngào thương quá thương.
Mẹ cô cúi xuống lau dòng lệ,
nước mắt cô rơi rớt trên đường.
Cô nhớ tai nghe tiếng trống trường,
mẹ về đôi mắt vẫn còn vương.
Nhìn cô như nói lời thương mến,
“đừng sợ nghe con có mẹ bên.”
Biết mấy yêu thương để đáp đền,
đôi bàn tay mẹ, mắt êm êm.
Bây giờ xa lắm cô vẫn nhớ,
mẹ hởi, chiều xưa rất êm đềm.
Thanks for joining me!
Good company in a journey makes the way seem shorter. — Izaak Walton